Lâu đài Himeji là một tòa thành cổ của Nhật Bản ở thành phố Himeji tỉnh Hyogo.
Đây là một trong những kiến trúc cổ nhất còn sót lại ở Nhật Bản, là kiến trúc tiêu biểu cho các thành quách thời cận đại của Nhật Bản. Himeji đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới (văn hóa) vào năm 1993 và di tích lịch sử đặc biệt của Nhật Bản. Nhiều bộ phận khác nhau của thành Himeji đã được công nhận là quốc bảo hoặc di sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Thành Himeji cùng với thành Matsumoto và thành Kumamoto hợp thành cái gọi là "Ba tòa thành quý của quốc gia (tiếng Nhật: 三大国宝城, "tam đại quốc bào thành")". Trong ba thành, thì Himeji nổi tiếng nhất.
Thành Himeji được xây dựng vào năm 1346 bởi Akamatsu Sadanori, một samurai. Lâu đài được xây dựng vào thời kỳ hoàng kim của kiến trúc lâu đài và thành quách Nhật Bản (bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ XVI), Lâu đài Himeji là một công trình được bảo tồn tuyệt hảo và trên hết, nó là đại diện xứng đáng cho tất cả các lâu đài trên khắp Nhật Bản.
Lâu đài Himeji được xây bằng gỗ (tổng cộng khoảng 36 tấn) và được phủ thạch cao trắng. Sở dĩ có tên gọi Hạc trắng vì bề ngoài của lâu đài với những donjon và tháp canh phủ thạch cao trắng làm ta liên tưởng tới hình ảnh nên thơ của một con hạc trắng đang cất cánh bay lên.
Với những lầu gác lợp ngói, tháp canh, cổng, những bức tường đất, những chân tường và ram dốc đá, những con kênh và nền đất, lâu đài Himeji là một ví dụ tuyệt vời của lọai hình kiến trúc lâu đài của Nhật Bản, gắn liền với thời kỳ Mạc Phủ đầy những cuộc chiến tranh đẫm máu, những ám sát nổi tiếng và những âm mưu đen tối, gắn liền với những lãnh chúa, những geisha và những thích khách nổi tiếng nhất.
Những cổng và tường bao xoắn ốc như mê cung của lâu đài được thiết kế một cách tài tình để làm rối trí binh lính đối phương. Bước vào cổng chính, ta có cảm giác dường như đang rời xa khỏi lâu đài. Càng tiến về phía tháp chính, ta càng thấy nó rời ra xa. Thậm chí ngay cả tháp chính, với bộ mái ngói có đầu hồi tuyệt đẹp, cũng được thiết kế đề lừa gạt đối phương. Từ bên ngoài, có vẻ như nó có năm tầng, nhưng thật ra nó có tới sáu tầng cộng thêm một tầng hầm.
Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như Himeji chỉ có 5 tầng nhưng thật ra, nó còn có thêm một tầng hầm bên trong
Lịch sử xây dựng lâu đài được lịch sử ghi lại tỉ mỉ. Năm 1333, Norimura Akamatsu – lãnh chúa vùng Harima xây dựng một pháo đài, và tới năm 1346, con trai của ông – Sadanori xây thêm các khu nhà ở và công trình khác.
Sau đó, các lãnh chúa Kotera và Kuroda chiếm quyền kiểm soát vùng này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng lâu đài chính đã được xây vào giữa thế kỷ XVI, khi Shigetaka Kuroda và con trai – Mototaka Kuroda nắm quyền trong vùng. Khi Kanbei Shigetaka Kuroda kiểm soát vùng này, Hideyoshi Hashiba đã tới lâu đài này để xây cho riêng mình một lâu đài ba tầng. Về sau Hideyoshi Hashiba và sau nữa là Iesada Kinoshita đã thành công trong việc kiểm soát lâu đài. Sau cuộc nội chiến Sekigahara, lãnh chúa Terumasa Ikeda – con nuôi của Shogun Ieyasu Tokugawa đã tới lâu đài này để điều hành. Thu nhập hàng năm của ông là 520.000 koku gạo (1 koku là 5 giạ gạo – tức 180 lít gạo).
Mái ngói có đầu hồi tuyệt đẹp
Năm 1601, Terumasa Ikeda bắt đầu cho đào 3 con kênh quanh lâu đài và hoàn tất toàn bộ hệ thống lâu đài với 5 tầng như ngày nay vào năm 1609. Công việc này kéo dài trong chín năm trời với 25 triệu ngày công. Con kênh ngoài cùng ngày nay nằm ngay phía bắc của ga tàu JR Himeji. Sau thời Ikeda, Tadamasa Honda xây thêm một số công trình ở cánh phía Tây. Thu nhập hàng năm của ông là 150.000 koku gạo.
Lâu đài Hạc trắng tuyệt vời mà mọi người ngắm nhìn ngày nay đã được hoàn tất toàn bộ vào năm 1618. Sau thời của gia tộc Honda, có các lãnh chúa khác như gia tộc Matsudaira, gia tộc Sakakibara v.v. Cuối cùng Tadazumi Sakai nắm quyền lãnh chúa năm 1749. Hậu duệ của ông có tham gia vào cuộc Cải cách Meiji (Minh Trị) năm 1868, khi thời đại Shogun (Mạc phủ) đã chấm dứt.
Một con kênh đào bao quanh tòa lâu đài
Đặc biệt, trong lâu đài còn có một ngôi trường do lãnh chúa Sakai xây dành để giáo dục các con mình. Khi Tadaumi Sakai chuyển tới Himeji, ngôi trường cũng được chuyển theo từ Maebashi tới Himeji. Ban đầu, trường được xây tại phía Bắc cổng Shosha, về sau chuyển về dựng phía trước cổng Otemon năm 1816.
Một góc vườn trong lâu đài Himeji
Năm 1931, Lâu đài Himeji được công nhận là Di sản Quốc gia, là một trong bốn lâu đài tại Nhật Bản được nhận vinh dự này. Các công trình trở thành Di sản Quốc gia và được bảo tồn gồm ngôi tháp chính, các tháp khác nhỏ hơn và các hành lang liên kết cùng 27 “yagura” (kho tên đạn, lương thực), 15 cổng và 100 mét tường. Một phần của con kênh giữa và toàn bộ con kênh trong cũng được giữ lại y nguyên như trong thời kỳ trung cổ.
TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN 24/7
HỖ TRỢ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAM GIA
HOTLINE: 0979 171 312 (Hỗ trợ tư vấn 24/7 qua: Call, Message, Zalo, SMS)
Nếu không tiện nói chuyện qua điện thoại hoặc nhắn tin ngay lúc này, bạn có thể YÊU CẦU GỌI LẠI bằng việc nhập số điện thoại vào form bên dưới để được cán bộ tư vấn của công ty liên lạc hỗ trợ.