Nhân kỷ niệm Ngày thành lập quan hệ Ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam (21/9/1973 - 21/9/2015), tối 22/7 vừa qua tại Hà Nội, Cty TNHH Nosco Imast và Nghiệp đoàn AOBA B-M-C-A Nhật Bản đã tổ chức buổi giao lưu văn hóa ẩm thực Nhật Bản và trà Thái Nguyên (VN) nhằm giới thiệu nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản và quảng bá trà Thái Nguyên.
Ẩm thực Nhật Bản đã không còn quá xa lạ với nhiều người Việt hiện nay, bởi có rất nhiều quán ăn mang phong cách Nhật Bản được mở ra tại Việt Nam, đồng thời hàng năm có rất nhiều các bạn Việt Nam đi du học, xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, nhiều thực khách được chiêm ngưỡng tài nghệ của đầu bếp 65 tuổi Azumaya Norio - “vua đầu bếp” tại Nhật Bản - khi thực hiện các món ăn truyền thống Nhật Bản với lá trà Thái Nguyên của VN trong buổi giao lưu văn hóa ẩm thực tối 22/7 tại Hà Nội.
Bất ngờ, lạ và quen
Giản dị, nhanh nhẹn và rất khiêm nhường, đầu bếp Azumaya Norio dễ tạo ra cảm giác thân thiện với thực khách ngay khi đang làm việc.
Vừa chỉ đạo người trợ lý làm món tôm tẩm bột rán theo kiểu Nhật Bản, Azumaya Norio nhanh nhẹn dùng chiếc dao lọc từ khối thịt cá hồi tươi rói ra từng miếng thịt mỏng và đều chằn chặn.
Đây là nguyên liệu “linh hồn” của món gỏi cá hồi Sasimi theo kiểu Nhật Bản, dưới sự thể hiện của vị đầu bếp Nhật Bản danh tiếng.
Tuy nhiên, món gỏi cá hồi chỉ là bước khởi đầu. Tâm điểm của bữa tiệc được “vua đầu bếp” kỳ vọng là chuỗi các món ăn hòa quyện dấu ấn Nhật - Việt.
Đầu tiên là món thịt gà nướng Yakitori có kèm lá trà Thái Nguyên. Những miếng thịt gà chín mềm, có vị lá trà thơm và sạch tạo cảm giác đặc biệt cho thực khách.
Chị Hương Lan, một thực khách, cho biết: “Món gà nướng được sắp xếp và trang trí theo phong cách Nhật Bản. Nhưng khi nếm thử, tôi nhận ra vị trà quen thuộc trong đồ uống hàng ngày. Tôi liên tưởng tới sự gần gũi thuần Việt trong món ăn”.
Ngay sau đó là món lẩu thịt hầm Kakuni Nabe. Nước dùng của nồi lẩu được Azumaya Norio khéo léo chắt lọc từ lá trà Thái Nguyên.
Thực khách khi dùng thử không có cảm giác ngấy. Ngược lại, sự thanh đạm của lá trà đã “ghìm” cảm giác ngấy của vị thịt ninh vừa chín tới.
“Nước dùng của món lẩu thịt hầm có màu cánh gián, mang đậm vẻ bí ẩn của xứ Phù Tang. Nhưng khi nếm thử, “lớp vỏ” bí ẩn đó dường như biến mất để ta có thể nhận ra vị thanh của hương trà Việt Nam” - anh Tuấn Minh, một thực khách chia sẻ.
Chưa hết, sau 7 món ăn của bữa tiệc tối 22/7, đầu bếp Azumaya Norio còn thiết đãi thực khách món tráng miệng: Chè đỗ đen dùng nước lá trà Thái Nguyên. Đây chỉ là một phần rất nhỏ bí quyết của vị đầu bếp đam mê những giá trị ẩm thực truyền thống.
Hòa quyện văn hóa Việt - Nhật
Giải thích lý do của buổi hội ngộ, bà Bà Isono Misako - Chủ tịch Nghiệp đoàn AOBA B-M-C-A Nhật Bản, đồng tổ chức chương trình - cho biết: “Nhân một chuyến sang Việt Nam, tôi có cơ hội được thưởng thức trà Tân Cương của Thái Nguyên. Hương vị đặc trưng của trà nơi đây đã thuyết phục được tôi”.
Từ sự đam mê đó, bà Misako ấp ủ một ý tưởng kết hợp trà Thái Nguyên VN với các món ăn của Nhật Bản. Tất nhiên, ý tưởng đó phải được thể hiện một cách cụ thể nhờ bàn tay tài hoa và tư duy sáng tạo của “vua đầu bếp” Azumaya Norio.
Đồng quan điểm với bà Misako, bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hiệp hội Chè Thái Nguyên cho biết: “Trà Thái Nguyên xưa nay mới chỉ dừng lại ở chế biến các đồ uống. Việc sử dụng trà Thái Nguyên để làm đồ ăn thực sự chưa bao giờ được thử nghiệm. Sự kiện kết hợp giữa trà Thái Nguyên và món ăn Nhật Bản là một điểm nhấn đặc biệt và ý nghĩa”.
Bà Nguyễn Thị Ngà kỳ vọng, sự kiện sẽ mở ra một quá trình thúc đẩy rộng rãi sự xuất hiện của thương hiệu trà Thái Nguyên ở đất nước được mệnh danh là xứ sở mặt trời mọc.
Qua lời kể của “vua đầu bếp” Azumaya Norio, một lịch sử ẩm thực của Nhật Bản với trà đã được hình thành từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, một số loại trà nhất định mới có thể được các đầu bếp dùng để kết hợp với thực phẩm.
Azumaya Norio tâm sự: “Nhật Bản có truyền thống văn hóa ẩm thực gắn với trà. Trà được dùng để ướp gia vị, pha trộn với món ăn tạo sự hấp dẫn hơn. Chưa kể, trà còn là sản phẩm tốt cho sức khỏe. Người Nhật Bản thường dùng các loại cá khô, bào mỏng và ninh lấy nước dùng. Tôi đã dùng phương pháp tương tự này áp dụng với trà khi kết hợp với các món ăn”.
Học nghề nấu ăn một cách chăm chỉ và nghiêm túc từ năm 17 tuổi, Azumaya Norio từng được các bậc cao tuổi trong nghề truyền cho bí quyết nấu món ăn kết hợp với trà từ đó.
“Nhật Bản hiện có nhiều cách kết hợp trà với ẩm thực. Tôi vẫn thích cách nấu theo phong cách ngày xưa. Cụ thể: Món ăn có vị trà phải được chú trọng về hương vị và được giữ nguyên theo công thức được truyền dạy cổ. Trong khi đó, cách nấu mới chủ yếu thiên về hình thức, mẫu mã của món ăn chứ không giống như ngày xưa được”.
Theo Azumaya Norio, VN cũng giống với Nhật Bản vì có truyền thống dùng trà từ lâu đời. Nhiều loại trà của VN được sử dụng làm đồ uống rất ngon và có thể kết hợp với ẩm thực. Cùng là người Châu Á, tâm lý và cảm nhận của người VN và Nhật Bản dễ tương đồng trong ẩm thực. Bởi vậy, việc truyền bá văn hóa ẩm thực kết với trà là điều dễ có được sự đón nhận của người dân 2 nước.
Theo Hoàng Mạnh
TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN 24/7
HỖ TRỢ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAM GIA
HOTLINE: 0979 171 312 (Hỗ trợ tư vấn 24/7 qua: Call, Message, Zalo, SMS)
Nếu không tiện nói chuyện qua điện thoại hoặc nhắn tin ngay lúc này, bạn có thể YÊU CẦU GỌI LẠI bằng việc nhập số điện thoại vào form bên dưới để được cán bộ tư vấn của công ty liên lạc hỗ trợ.