Trong quá trình điều tra về những bất cập trong đưa người đi XKLĐ tại Malaysia, nhiều người lao động tại huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cho rằng họ bị Công ty CP Phát triển Liên Việt - đơn vị đưa họ đi XKLĐ - không đào tạo ngoại ngữ như cam kết; thu tiền quản lý, phí môi giới nhưng khi cần thì không có ai đứng ra giải quyết. Nhiều lao động còn cho rằng, Công ty Liên Việt đã “ăn chặn” khoản tiền 4,4 triệu đồng/người tiền mua đồ dùng cá nhân và chi tiêu tháng đầu tiên khi ở Malaysia.
Đào tạo qua loa
Hầu hết thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam trong diện đi XKLĐ đều có trình độ học vấn thấp: cao nhất mới học hết lớp 9, phần nhiều là lớp 5, lớp 6. Không chỉ vậy, lâu nay họ quen sống tự do nên để làm việc được trong môi trường công nghiệp cần phải có thời gian đào tạo cả về nghề lẫn ngoại ngữ. Chính vì vậy, Bộ LĐTB-XH quy định đối với các công ty tham gia đưa người đi XKLĐ phải đào tạo, giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài, kiểm tra đạt kết quả và được cấp chứng chỉ mới được đi. Thế nhưng, nhiều người lao động cho biết, Công ty CP Phát triển Liên Việt (gọi tắt Công ty Liên Việt, có tên tiếng Anh là VINADE, đóng tại quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã đào tạo qua loa, khiến người lao động khi qua làm việc tại Malaysia gặp rất nhiều khó khăn vì không giao tiếp được.
Em A Bing Pới (23 tuổi, ở thôn Por Ning, xã Lăng) cho biết: Sau khi đăng ký đi XKLĐ, Công ty Liên Việt lên tận xã Lăng đón rồi đưa vô Tam Kỳ ở gần 1 tháng chờ làm hộ chiếu. Sau đó, bọn em được chuyển vào TPHCM để học tiếng nhưng chỉ học được 1 tuần là qua Malaysia. Do không được học tiếng, 3 tháng đầu làm việc trong nhà máy em không biết họ nói gì cả, muốn gì là chỉ ra hiệu. Em Jơđêl Bún (thôn Aró, xã Lăng) cho biết, trước khi đi Công ty Liên Việt hứa dạy tiếng trong 3 tháng nhưng trên thực tế chỉ được học 1 tuần là phải qua Malaysia lao động. Khi đến sân bay ở Malaysia, chủ hẹn 10 giờ đón nhưng đến 14 giờ mới đón nên 6 anh em lao động Việt Nam phải nhịn đói, nằm vật vạ ở nhà ga sân bay. Thậm chí, trong 3 tháng đầu, 6 công nhân người Việt do tôi làm tổ trưởng hoàn toàn không biết chủ nói gì, làm việc với nhau chỉ ra hiệu.
Không có việc làm, nuôi 4 đứa con và với căn nhà như thế này, chị Jơđêl C’rích không biết tìm đâu cho đủ 23 triệu đồng để trả thay cho con trai C’Lâu Hor sau khi đi XKLĐ.
Ăn chặn tiền, bỏ mặc người lao động?
Trong hợp đồng ký kết với người lao động, Công ty Liên Việt đã thu các khoản tổng cộng 23 triệu đồng, gồm: 8,325 triệu đồng tiền quản lý lao động trong 3 năm; 4,625 triệu đồng tiền vé máy bay, lệ phí sân bay, đưa đón; 5,55 triệu đồng phí môi giới tại Malaysia; 100.000 đồng quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước và 4,4 triệu đồng tiền mua đồ dùng cá nhân và chi tiêu cho người lao động trong tháng đầu tiên ở Malaysisa. Thế nhưng, mặc dù thu hàng chục triệu đồng tiền quản lý lao động trong 3 năm, phí môi giới nhưng khi người lao động gặp khó khăn hoặc đau ốm ở Malaysia gọi điện cầu cứu thì không ai đến giúp. Không những vậy, số tiền 4,4 triệu đồng mua đồ dùng cá nhân và chi tiêu cho người lao động trong tháng đầu tiên ở Malaysia bị Công ty Liên Việt “biển thủ”, khiến người lao động gặp khốn khó. Em Jơđêl Bún kể: Công ty Liên Việt hứa qua Malaysia sẽ có đại diện bên đó giúp đỡ khi khó khăn trong 3 năm nhưng chỉ được 3 tháng đầu, còn sau đó công nhân đau ốm gọi cho họ nhưng họ không bao giờ quan tâm. Trong công ty của chúng tôi làm có anh B’ríu Nhoon (xã Ch’um, huyện Tây Giang) bị đau gan nhưng ông chủ không chịu đưa đi bệnh viện, các công nhân gọi cho môi giới ở Malaysia và Công ty Liên Việt để cầu cứu nhưng không ai đến, các công nhân Việt Nam cùng công nhân nước khác đưa anh Nhoon đi bệnh viện. Do không chữa chạy kịp thời, khi về nước anh Nhoon chết do bệnh gan.
Em A Bing Pới cho biết thêm, trong số tiền 23 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH giao cho Công ty Liên Việt có khoản chi 4,4 triệu đồng mua đồ dùng cá nhân và chi tiêu tháng đầu tiên ở Malaysia nhưng khi qua đến nơi, Công ty Liên Việt không chịu đưa khoản tiền này mà bảo mượn chủ 50 ringgit Malaysia (viết tắt MYR, khoảng 300.000 đồng tiền Việt) để tiêu. Và cho đến nay, số tiền 4,4 triệu đồng không ai biết đi đâu? Không chỉ Bún, Pới mà hầu hết những người ở Quảng Nam đi XKLĐ tại Malaysia qua kênh Công ty Liên Việt đều thắc mắc không biết khoản tiền này đi đâu, về đâu?
Chính quyền địa phương lúng túng
Trước sự việc rất nhiều người lao động đi XKLĐ qua giới thiệu của Công ty Liên Việt ở thị trường Malaysia về nước trong cảnh nợ nần chồng chất và tạo nên một hiệu ứng xã hội không tốt, khiến chính quyền địa phương lúng túng trong giải quyết vụ việc. Bởi lẽ, trước đây, Công ty Liên Việt và người lao động ký kết với nhau nhưng thiếu vai trò giám sát của chính quyền địa phương nên khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương cũng không biết xử lý từ đâu. Điều đáng nói, trước việc hàng chục lao động đi XKLĐ tại Malaysia về nước trước thời hạn và nợ nần chồng chất khiến công tác vận động người dân đi XKLĐ để giảm nghèo bền vững đã khó, nay càng khó và có nguy cơ bị phá sản.
Ông Hồ Minh Long, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Tây Giang, cho biết, từ năm 2010 đến 2012, huyện được giao chỉ tiêu mỗi năm có 100 người đi XKLĐ nhưng 3 năm chỉ mới có 115 người đi XKLĐ, trong đó có 114 người đi Malaysia. Riêng năm 2013, huyện giao chỉ tiêu 30 người nhưng không vận động được ai đăng ký đi.
Theo ông Long, sở dĩ người dân không còn “mặn mà” với XKLĐ ở thị trường Malaysia là vì thời gian qua, việc phối hợp vận động người lao động giữa Công ty Liên Việt và địa phương còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, do những người đã từng đi lao động tại Malaysia về khuyên bạn bè không nên chọn Công ty Liên Việt và thị trường Malaysia vì thị trường này lương thấp, điều kiện lao động cực nhọc, đối tác của Công ty Liên Việt ở Malaysia phần lớn là những công ty làm ăn đứt đoạn, khó khăn và thậm chí phá sản nên đời sống người lao động khó khăn theo.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, sắp đến, UBND huyện sẽ thay đổi đối tác trong hợp tác XKLĐ và thay đổi thị trường sang Hàn Quốc, Nhật Bản… vì thị trường này điều kiện làm việc tốt, lương cao. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng sẽ trực tiếp tham gia giám sát từ khâu tuyển dụng, ký kết, quá trình lao động… của người lao động đối với các công ty môi giới để đảm bảo quyền lợi người lao động và sự thành công của đề án giảm nghèo.
“Ép” ký hợp đồng XKLĐ với Công ty Liên Việt
Trước những bất cập và hậu quả của việc đưa người dân tộc thiểu số ở Quảng Nam đi XKLĐ tại Malaysia của Công ty Liên Việt chưa được giải quyết thì ngày 26-6-2013, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có văn bản số 1113/QLLĐNN-TTLĐ do Phó Cục trưởng Hoàng Kim Ngọc ký chỉ đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Nam và Lai Châu “Chỉ đạo các huyện nghèo thuộc tỉnh” phối hợp với Công ty Liên Việt để triển khai đưa lao động đi Malaysia làm việc. Và từ văn bản này, Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My phối hợp với Công ty Liên Việt để đưa người đi XKLĐ tại Malaysia.
NGUYÊN KHÔI
Link bài gốc: http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2014/3/343443/
Bài viết quan tâm:
TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN 24/7
HỖ TRỢ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAM GIA
HOTLINE: 0979 171 312 (Hỗ trợ tư vấn 24/7 qua: Call, Message, Zalo, SMS)
Nếu không tiện nói chuyện qua điện thoại hoặc nhắn tin ngay lúc này, bạn có thể YÊU CẦU GỌI LẠI bằng việc nhập số điện thoại vào form bên dưới để được cán bộ tư vấn của công ty liên lạc hỗ trợ.